Nhằm tăng tiện ích cho khách hàng và minh bạch trong việc thu tiền điện, thời gian qua, Công ty Điện lực Hà Giang (PC Hà Giangh) đã đẩy mạnh việc thực hiện thu tiền điện qua tài khoản ngân hàng và các tổ chức trung gian, thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Giúp người sử dụng điện chủ động về thời gian, hình thức thanh toán, góp phần phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo đó, thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) về chuyển đổi số, PC Hà Giang đã xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt (thanh toán điện tử) đến các đơn vị. Đẩy mạnh tuyên truyền đến khách hàng về lợi ích của việc thanh toán điện tử trên các kênh truyền thông, nhắn tin quảng bá nhằm thay đổi nhận thức, thói quen không dùng tiền mặt. Thiết lập hệ thống chăm sóc khách hàng đa kênh để hỗ trợ khách hàng; giao chỉ tiêu cụ thể từng năm cho các các đơn vị trực thuộc trong việc vận động khách hàng thanh toán điện tử. Đồng thời, lãnh đạo công tycũng đã có những buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương, đơn vị và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ chính quyền các cấp tại địa phương, cơ quan, ban, ngành về việc chuyển đổi công tác thanh toán tiền điện bằng tiền mặt tại quầy thu ngân của Điện lực sang thanh toán tiền điện qua các ngân hàng cũng như gương mẫu trong việc thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Nhân viên Điện lực tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Ông Hoàng Văn Hưng, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của PC Hà Giang cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tỷ lệ khách hàng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều, cộng với trình độ dân trí tại các huyện vùng cao chưa đồng đều nên chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện công tác thu tiền điện bằng các hình thức giao dịch điện tử. Để nâng cao tỷ lệ khách hàng sử dụng điện thanh toán không dùng tiền mặt thì trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến khách hàng và người dân, đặc biệt là đối với những khách hàng tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, khách hàng là đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi..., đồng thời kết hợp với các đối tác trung gian hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ điện tử mang lại nhiều tiện ích cho bà con.
Với mục tiêu đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện, mang đến tiện ích tối đa cho khách hàng sử dụng điện, PC Hà Giang đã hợp tác, mở rộng dịch vụ thu hộ tiền điện với 3 chi nhánh ngân hàng Agribank, BIDV, Viettinbank và 7 đơn vị trung gian thu hộ gồm: Viettel Hà Giang (Viettel Pay), Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt nam (VNPAY), Trung tâm dịch vụ tài chính số VNPT - Chi nhánh Tổng Công ty truyền thông(VNPT Media), Công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (MOMO), Công ty cổ phần Công nghệ Vi mô (VIMO), Công ty Cổ phần ZION (ZALOPAY), Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến cộng đồng Việt (PAYOO). Qua đó, khách hàng có thể thanh toán tiền điện bằng các hình thức: SMS & Mobile Banking, Internet Banking của Ngân hàng, Trích nợ tự động, ATM/Thẻ ngân hàng, UNT/UNC, Ví điện tử của các đối tác trung gian, thanh toán trực tuyến qua Web CSKH của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Thay vì đến các điểm thu tiền điện truyền thống như trước, khách hàng có nhiều sự lựa chọn các hình thức tiện lợi để thanh toán tiền điện. Các tiện ích thanh toán tiền điện qua ngân hàng, danh sách các điểm thu hộ và phòng giao dịch của các ngân hàng có liên kết với Điện lực được gửi đến khách hàng, giúp khách hàng lựa chọn dịch vụ thanh toán tiền điện phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Mai, một khách hàng tại Phường Nguyễn Trãi - Thành phố Hà Giang chia sẻ: Qua việc chuyển tiền thanh toán tiền điện hàng tháng cho Điện lực, tôi thấy rất là tốt, thứ nhất là người dân không quên ngày nộp tiền, thứ hai là tránh tụ tập đông người tại điểm nộp tiền, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Thứ ba là có thể nộp tiền được mọi lúc, mọi nơi, rất thuận tiện.

Ký kết hợp tác với đối tác trung gian trong công tác thu nộp tiền điện bằng hình thức giao dịch điện tử
Còn anh Đỗ Ngọc Linh, quản lý một khách sạn trên địa bàn TP Hà Giang cho biết: Với sự tuyên truyền, hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ CNV Điện lực thành phố, thì tôi nhận thấy các cơ sở kinh doanh như khách sạn chúng tôi rất thuận tiện trong việc theo dõi và thực hiện thanh toán tiền điện qua app điện lực, ngoài ra còn có thể điều chỉnh mức sử dụng điện năng tiết kiệm, phù hợp khi mà được cảnh báo về mức sử dụng vượt quá so với nhu cầu đăng ký, hóa đơn tiền điện tăng cao…
Hiện nay, PC Hà Giang đang quản lý kinh doanh bán điện cho trên 178.000 khách hàng.Trong đó, có khoảng 50,8% khách hàng không sử dụng tiền mặt khi thanh toán tiền điện. Hiện đã xoá được 58 điểm thu tiền điện. Việc triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ ở khu vực trung tâm thành phố, thị trấn, xã, phường. Tại khu vực nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, việc triển khai hình thức thanh toán này còn gặp nhiều khó khăn. Người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt và việc tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Do đó, PC Hà Giang sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích về việc chuyển đổi thanh toán tiền điện bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức thu hộ. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng cung cấp điện, đảm bảo an toàn, ổn định, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng điện của người dân.